Đóng góp ngân sách nhà nước của PVN

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Cần có cách nhìn nhận khác về dầu khí!

Các chính khách và chuyên gia kinh tế đều khẳng định: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách Nhà nước.

Đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước

Theo báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 vừa được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối tháng 5/2019, quyết toán thu NSNN năm 2017 đạt 1.293.627 tỉ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỉ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Đáng chú ý là sự đóng góp vào NSNN của PVN. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thu từ dầu thô đạt 49.583 tỉ đồng. Đồng thời, PVN đã nộp vào ngân sách 3.561 tỉ đồng khoản kết dư chi phí phát sinh năm 2017 của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, nhờ đó thu NSNN từ dầu thô tăng 29,5% (11.283 tỉ đồng) so với dự toán.

Còn tại Báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của PVN, sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675 nghìn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,08%.

(box) Nộp NSNN toàn PVN năm 2018 đạt 121,3 nghìn tỉ đồng, vượt 47,5 nghìn tỉ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2017, đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách Trung ương năm 2018. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 của PVN đạt 47,1 nghìn tỉ đồng, vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017...

Nhận định về những đóng góp của ngành Dầu khí đối với phát triển kinh tế xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những đóng góp chung cho NSNN, Dầu khí đang đặt nền móng phát triển kinh tế vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, không chỉ đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước, tăng trưởng nhanh và bền vững, ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và quan trọng nhất là ngành dầu khí đã góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Ngành dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước, trước hết là bảo đảm việc làm cho người lao động. Đi đôi với giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì đây là ngành đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao.

Tiếp tục phát triển ngành dầu khí trong bối cảnh mới

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, 4 tháng đầu năm 2019, NSNN đang thặng dư 88,7 nghìn tỉ đồng. Cụ thể, thu cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 133,9 nghìn tỉ đồng, trong đó, thu nội địa ước đạt 111,6 nghìn tỉ đồng. Đáng chú ý, thu từ dầu thô tháng 4 ước đạt 4,7 nghìn tỉ đồng; lũy kế 4 tháng ước đạt 18,29 nghìn tỉ đồng, bằng 41% dự toán năm.

Đánh giá về việc tạo cơ chế chính sách để tiếp tục phát triển ngành dầu khí trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định cần phải có cách nhìn nhận khác về dầu khí: về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, ứng dụng khoa học công nghệ, phương thức đi tắt đón đầu tổ chức sản xuất của ngành Dầu khí trong tương lai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: Phải nhìn nhận các yếu tố liên quan đến môi trường hoạt động của ngành dầu khí đã có nhiều thay đổi. Về môi trường kinh doanh quốc tế là biến động giá dầu, yêu cầu kỹ thuật sản xuất cũng như bảo vệ môi trường... Còn về thị trường nội địa cũng có những tác động hạn chế đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí, bao gồm cả trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh công khai minh bạch, có thể dự báo được.

Để cho các doanh nghiệp dầu khí hoạt động hiệu quả, đòi hỏi sự thay đổi và nâng cao trách nhiệm của Chính phủ với tư cách chủ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững cho ngành dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng phát triển.

(Theo Báo điện tử VietQ)

Tin khác