Vừa qua, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Đình Vũ (PVTEX) đã nhận quyết định thay đổi tên doanh nghiệp thành Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY), đồng thời thay đổi logo và chính thức tham gia vào chuỗi giá trị dệt may bằng việc hợp tác với một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (NMXS Đình Vũ) chính thức khởi động lại và vận hành sản xuất dây chuyền sợi polyester (DTY) từ tháng 4/2018. Hiện nay, VNPOLY đang chuẩn bị công tác bảo dưỡng toàn bộ nhà máy và dự kiến vận hành lại toàn bộ nhà máy vào đầu năm 2020.
NMXS Đình Vũ đang từng bước vận hành trở lại.
Tính đến hết tháng 6/2019, VNPOLY đã sản xuất được hơn 6.200 tấn sợi DTY, trong đó gia công cho Tập đoàn An Phát hơn 4.800 tấn. Tổng số dây chuyền sản xuất sợi DTY của VNPOLY tính đến thời điểm hiện tại là 12 dây chuyền.
Trong hơn 1 năm qua, sản phẩm sợi DTY của NMXS Đình Vũ đã được khẳng định về chất lượng và được các khách hàng đánh giá tốt. Sản phẩm sợi DTY của NMXS Đình Vũ được tổ chức Oeko - tex (CHLB Đức) cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu. Sợi DTY của VNPOLY cũng đã xuất khẩu sang một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan.
Hiện nay, VNPOLY đã hợp tác với một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tổ hợp thành một chuỗi cung ứng sản phẩm may mặc ra thị trường trong và ngoài nước, từ sản phẩm xơ sợi chất lượng cao của VNPOLY đến dệt nhuộm và may mặc các loại quần áo giá trị cao như trang phục thể thao, văn phòng, bảo hộ lao động...
VNPOLY vừa ký kết với một số đơn vị trong ngành Dầu khí để sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm xơ sợi của công ty như: 1.200 chiếc áo thể thao cho Công đoàn Dầu khí Việt Nam, nhận đơn đặt hàng của Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam…
Việc đổi tên doanh nghiệp, nhận diện thương hiệu và tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm may mặc được đánh giá là bước “chuyển mình” cho VNPOLY. Từ một nhà cung cấp bán nguyên liệu cho ngành dệt may, VNPOLY đã và đang đi đúng hướng khi trở thành một phần trong chuỗi giá trị của dệt may Việt Nam, gắn quyền lợi và trách nhiệm đối với từng sản phẩm dệt may thương hiệu Việt.
Theo Petrotimes