Ngày 01/11, tại Hải Phòng, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) hợp tác với Công ty CP An Phát Holdings (APH) và Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn thực hiện nâng công suất sản xuất sợi DTY Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ lên khoảng 400 tấn sợi/tháng.
Thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành Công Thương (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ thông qua, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành Công thương (Ban Chỉ đạo) và Bộ Công thương, PVN cùng với các cổ đông của PVTex đã nỗ lực tìm các giải pháp để khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, trong đó ưu tiên phương án tìm kiếm đối tác để hợp tác sản xuất kinh doanh.
Phân xưởng sản xuất sợi DTY NMXS Đình Vũ.
Trên cơ sở đó, PVTEX đã triển khai mời rộng rãi đối tác để hợp tác và kết quả là liên danh giữa Tập đoàn APH với các đối tác quốc tế đến từ Ấn Độ và Singapore đã được lựa chọn để đi đến đàm phán hợp tác.
Từ ngày 20/4/2018 3 dây chuyền kéo sợi DTY đã được đưa vào vận hành sản xuất. Sau 6 tháng, các dây chuyền vận hành ổn định, sản xuất được hơn 1.400 tấn sợi DTY thương phẩm, được thị trường tiêu thụ tốt và kết quả sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch đề ra.
Giám đốc Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn Hồ Trí Dũng.
Trao đổi về tình hình thị trường xơ sợi tổng hợp, Giám đốc Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn Hồ Trí Dũng cho biết, ngay sau khi ký kết hợp đồng gia công sợi DTY với PVTEX, APH và An Sơn đã lập tức bắt tay vào tìm hiểu thị trường sợi.
"Chúng tôi đã gặp gỡ tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp sử dụng sợi DTY của NMXS Đình Vũ trên khắp cả nước. Các khách hàng đã đánh giá rất tốt về chất lượng sản phẩm sợi của NMXS Đình Vũ. Chính vì vậy, chúng tôi đã quyết định nâng công suất nhà máy theo đúng lộ trình trong hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh DTY đã ký kết. Đặc biệt kể từ hôm nay, chúng tôi cho ra sản phẩm mới của sự hợp tác có tên sợi AnPoly. Chúng tôi cũng tin tưởng sản phẩm AnPoly sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng Việt Nam cũng như các khách hàng khó tính trên thế giới như Nhật Bản và Hàn Quốc" - ông Hồ Trí Dũng nói.
Các dây chuyên, thiết bị sản xuất xơ sợi thường xuyên được bảo dưỡng tốt.
Về tình hình sản xuất của nhà máy, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc cho biết thêm, trong 6 tháng qua, sự vận hành ổn định của 3 dây chuyền sản xuất sợi là minh chứng bước đầu về chất lượng máy móc thiết bị, khả năng quản lý, vận hành của đội ngũ CBCNV PVTEX, đồng thời tạo niềm tin, động lực cho các đối tác hợp tác với PVTEX.
Ngày hôm nay, 1/11/2018, PVTEX đã bước vào giai đoạn mới khi chính thức nâng công suất phân xưởng sợi DTY lên gấp đôi giai đoạn đầu tiên với 6 dây chuyền sản xuất, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 400 tấn sợi DTY/tháng. Đây cũng là sự khởi đầu trong thực hiện hợp đồng hợp tác gia công sợi với APH và Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn (ký kết vào tháng 7/2018).
Mục tiêu đến cuối quý IV/2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng công suất sản xuất sợi DTY lên 10 dây chuyền và quý I năm 2019 sẽ vận hành toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi. Đồng thời, các bên cũng đang tích cực đàm phán Hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ Nhà máy với mục tiêu sớm hoàn thành đàm phán và ký kết hợp đồng để cùng nhau bắt tay vào khởi động lại toàn bộ nhà máy trong đầu năm 2019.
Công nhân kiểm tra chất lượng sợi trước khi đưa lên máy kéo sợi.
Ghi nhận nhanh tại NMXS Đình Vũ, về tinh thần cán bộ công nhân viên khối vận hành nhà máy đã có nhiều khởi sắc. Trao đổi với Quản đốc xưởng Filament Vũ Văn Nam, một trong những kỹ sư hiếm hoi gắn bó với nhà máy ngay từ thủa ban đầu thì được biết tình hình sản xuất ổn định và hiệu quả của phân xưởng sợi đã giúp các công nhân, kỹ sư của PVTEX có cuộc sống ổn định. Anh em cũng phấn khởi và yên tâm cống hiến cho nhà máy.
Có thể thấy rằng, với tiềm năng thị trường xơ sợi polyester đang vô cùng rộng mở, việc hợp tác giữa PVTEX với Tập đoàn APH và các đơn vị thành viên là thực sự có triển vọng. Sự hồi sinh của NMXS Đình Vũ sẽ góp phần đưa sản phẩm xơ sợi của Việt Nam trở lại thị trường, góp phần vào sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.
Thành Công