Có một câu hỏi cứ trở đi trở lại nhiều lần: Vì sao chúng ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi so sánh lực lượng giữa ta và địch là một trời một vực? Một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn chồng chất buộc phải đối đầu với một cường quốc.
Nguồn sáng Điện Biên Phủ
Sắp đến kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày làm lính trong Thành, nơi có những cán bộ tuổi cha chú từng trực tiếp tham gia đánh trận Quyết chiến chiến lược tháng 5/1954 ấy. Hồi đó tôi được giao làm công tác nghiên cứu, biên tập ở Văn phòng Tổng cục Chính trị, có dịp được hầu chuyện các cụ.
Bởi vậy, những ấn tượng in đậm trong chúng tôi ngày đó phần nhiều qua lời kể của những người đi trước. Gần 1 tấn thuốc nổ rung trời Điện Biên vào đêm 6-5-1954. Sức công phá dữ dội, đồi A1 như vỡ vụn, đá sỏi như bị nghiền nát. Đó là đòn đánh lớn, bất ngờ khiến cho những công trình quân sự vô cùng kiên cố của địch lung lay như gặp cơn bão lớn, báo hiệu ngày tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Và rồi ngày hôm sau, ngày cuối cùng trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Đó là hình ảnh lẫm liệt Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo.
Đó là cả “binh đoàn xe thồ” chở gạo ra mặt trận. Những con số này đã nói lên tất cả: tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm. Đã có gần 26.500 lượt dân công, gần 30 nghìn xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, 3.130 chiếc thuyền… được huy động phục vụ chiến dịch.
Huyền thoại xe đạp thồ đã được nhà văn, cựu chiến binh Pháp Jules Joy (1907-2000), người từng đoạt Giải thưởng Văn học của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1958, viết trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Navarre bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng 200-320kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilon trải trên đất”.
Những ấn tượng sâu đậm đó không chỉ in sâu trong trong tâm trí những người lính Cụ Hồ, lớp cha trước lớp con sau, mà các thế hệ hôm nay và mai sau nữa không thể nào quên. Đó là cuốn biên niên sử vĩ đại. Đó là chiến thắng thuộc về sức mạnh văn hóa Việt Nam, sức mạnh của lòng yêu nước vô bờ bến.
Có một câu hỏi cứ trở đi trở lại nhiều lần: Vì sao chúng ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi so sánh lực lượng giữa ta và địch là một trời một vực? Một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn chồng chất, buộc phải đối đầu với một cường quốc. Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, đối phương rất tự tin, bởi đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “sức kháng cự của Việt Minh chỉ như con muỗi chích con hổ”(!). Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp, có sự can thiệp của Mỹ, hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.
Nhưng ý đồ ấy đã tiêu tan. Sau này, chính các nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Pháp thừa nhận rằng, Việt Nam chiến thắng không chỉ nhờ ở tài thao lược của nghệ thuật quân sự mà còn là kết quả từ tầng sâu văn hóa của một dân tộc. Tầng sâu văn hóa, tầm cao trí tuệ ấy được hình thành, được bồi tụ qua hàng nghìn năm văn hiến.
Năm 1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp M. Bigeard, nguyên Trung tá, Phó chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi thăm lại chiến trường xưa đã nói với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại ở Điện Biên Phủ: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Chúng ta chiến thắng là vì, dân tộc ta có tinh thần yêu nước, có khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng. Ngay sau chiến thắng lẫy lừng, Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi các cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 11/5/1954 nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta từ trước đến nay. Bộ đội trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã quyết tâm tiêu diệt địch, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu. Bộ đội và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc đã liên tục hoạt động phối hợp. Cán bộ và chiến sĩ trong và ngoài Đảng đã trên dưới một lòng hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dân đã tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái phục vụ tiền tuyến, đi dân công”.
Chúng ta chiến thắng là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời”. Diễn biến của chiến dịch đã thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta, đặc biệt là việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo, một minh chứng về tài quân sự, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và lòng dũng cảm của vị Tổng Tư lệnh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như sự đồng lòng của cán bộ chiến sĩ ngoài mặt trận và của toàn dân ta.
Lịch sử đất nước ta, dân tộc ta đã sang những trang mới. Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản hùng ca bất hủ, “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” (Lời Bác) trong thế kỷ XX, vẫn đang cổ vũ chúng ta đi tới. Thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, năm châu bốn biển một nhà. Quan hệ Việt Nam và Pháp, cũng như quan hệ với các quốc gia trên thế giới hôm nay là quan hệ giữa những người bạn lớn. Hà Nội dang rộng vòng tay yêu thương đón bè bạn bốn phương, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Mới đây, trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Đại sứ Pháp tại Hà Nội, ông Olivier Brochet, thông báo, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu, cùng Quốc Vụ khanh phụ trách cựu chiến binh và ký ức chiến tranh sẽ thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 tới. Hai quan chức cấp cao của Pháp tới thăm và có các hoạt động ở Việt Nam trong dịp này nhằm thể hiện tâm nguyện “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và “cùng hợp tác” vì sự phát triển của quốc gia và nhân dân hai nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ – đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – như một tiếng chuông buổi sớm, một tiếng sấm đầu mùa, dự báo một trang sử mới cho nhân loại. Trong thời đại ngày nay, “Nguồn sáng Điện Biên Phủ” vẫn cổ vũ chúng ta vững tin trên đường lớn, vì đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, vì thế giới hòa bình.
Lịch sử đất nước ta, dân tộc ta đã sang những trang mới. Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản hùng ca bất hủ, “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” (Lời Bác) trong thế kỷ XX, vẫn đang cổ vũ chúng ta đi tới.
Hải Đường
Theo Công đoàn DKVN