Thị trường xơ sợi tổng hợp trong nước và quốc tế đang có nhiều dấu hiệu nóng lên, nhu cầu sẽ tăng mạnh trong 3 năm tới. Đây là “cơ hội vàng” đối với quá trình khôi phục sản xuất toàn bộ Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Việt Nam.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của VNPOLY |
Ngày 29-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Đến năm 2035, ngành dệt may và da giày Việt Nam phát triển khả quan theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may giai đoạn 2021-2025 đạt 51-55% và giai đoạn 2026-2030 đạt 56-60%. Trong đó, phát triển ngành dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), tập trung sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao... đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu; đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) về thị trường xơ sợi cho thấy, nhu cầu tiêu thụ xơ, sợi polyester tại thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2025. Động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy sự tăng mạnh nhu cầu xơ, sợi polyester đến từ yêu cầu về xuất xứ sợi và vải có nguồn gốc nội địa khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực thi hành.
Công nhân sản xuất sợi DTY tại nhà máy |
Phân ngành xơ, sợi hiện là mắt xích kém phát triển nhất trong chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam. Với việc đón đầu cơ hội tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, làn sóng đầu tư mới và mở rộng công suất kéo sợi từ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã xuất hiện từ năm 2018 và nở rộ vào năm 2019.
Với sự đầu tư tích cực, xơ, sợi polyester của Việt Nam từ nguồn nhập khẩu sẽ được thay thế dần bằng nguồn cung trong nước trong giai đoạn 2021-2025. Xu thế sử dụng xơ, sợi polyester thay thế dần sợi cotton sẽ đóng góp vào sự tăng mạnh về tiêu thụ xơ, sợi polyester, trong đó xơ, sợi tái chế sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng lượng xơ, sợi polyester tiêu thụ.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số hãng sản xuất sản phẩm may mặc trong nước đang đầu tư phát triển bài bản từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy ngành dệt may Việt Nam đang dần tự chủ và phát huy được các lợi thế có sẵn từ thiết bị máy móc, nhân lực chất lượng cao để hướng đến các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.
Hiện nay, trong nước mới chỉ có 2 nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp là Hưng Nghiệp Formosa và Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Việt Nam, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) đã vận hành 10-15 dây chuyền sản xuất sợi DTY cho các đối tác, tiếp tục làm việc với 3 chuyên gia của đối tác SSFC kiểm tra, điều chỉnh, bảo dưỡng và tổ chức đào tạo theo hướng dẫn vận hành của SSFC. Mặt khác, người lao động VNPOLY thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề, từ đó giảm thời gian chờ bảo dưỡng dây chuyền DTY, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi và tuân thủ hướng dẫn vận hành của đối tác.
Toàn cảnh Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Việt Nam |
Hiện nay, VNPOLY vẫn nỗ lực thực hiện song song 2 phương án phục hồi sản xuất toàn bộ nhà máy gồm đàm phán, tìm kiếm đối tác sản xuất xơ PSF và tự phục hồi sản xuất với nguồn vốn từ các cổ đông Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Theo đó, bên cạnh đối tác SSFC, VNPOLY đang tích cực đàm phán, giới thiệu phương án sản xuất, kinh doanh với đối tác từ Nhật Bản (hạt petchip), Trung Quốc (xơ PSF).
Về công tác chuẩn bị thị trường, VNPOLY đã chủ động gửi hồ sơ giới thiệu công ty cho 3 đại lý nhằm marketing các sản phẩm mà VNPOLY đang sản xuất; trực tiếp trao đổi với 11 khách hàng tiêu thụ xơ PSF tại miền Nam để cập nhật xu hướng thị trường, nhu cầu sản phẩm, lượng sản phẩm tiêu thụ và mở rộng danh sách khách hàng. VNPOLY tiếp tục cùng đại lý triển khai các kế hoạch tiếp cận khách hàng quảng bá sản phẩm nhằm chuẩn bị thị trường tiêu thụ khi nhà máy có sản phẩm PSF vào cuối quý II/2023. VNPOLY tiếp tục làm việc trực tiếp các khách hàng tiêu thụ xơ PSF (10-15 khách hàng) cùng với các đại lý trong quý I/2023 với mục tiêu mở rộng mạng lưới khách hàng.
Đáng chú ý, VNPOLY đã và đang chủ động nghiên cứu phương án tự cải tạo hệ thống hiện có để sản xuất POY tái sinh tại nhà máy trên cơ sở các tài liệu đã được SSFC chuyển giao. Ngày 20-2-2023, VNPOLY đã có buổi làm việc cụ thể với Công ty PVE về quy trình thực hiện dự án.
Đánh giá kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và kế hoạch giai đoạn 2023-2025 của VNPOLY, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho rằng, VNPOLY sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng có không ít thuận lợi. Trong đó, VNPOLY đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, giữ được mối quan hệ tốt với các khách hàng, nhà cung cấp lớn trong nước và quốc tế. Cùng với các dự báo thị trường xơ sợi thế giới cũng như Việt Nam đang trong chu kỳ hồi phục mạnh, nhu cầu lớn, nên VNPOLY khôi phục sản xuất trở lại sẽ đạt hiệu quả cao hơn, nhanh chóng phục hồi sản xuất và nâng cao vị thế trên thị trường dệt may Việt Nam.
Có thể nói rằng, VNPOLY đang đứng trước “cơ hội vàng” để khôi phục sản xuất cho toàn bộ Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Việt Nam.
Qua 2 tháng đầu năm 2023, VNPOLY sản xuất 950 tấn sợi DTY các loại, doanh thu 19,44 tỉ đồng. Sản phẩm sợi tái sinh bình quân đạt 91,5% chất lượng AA, sợi nguyên sinh đạt 92% chất lượng AA. Hiện nay, VNPOLY đang nỗ lực thực hiện song song các phương án phục hồi sản xuất toàn bộ nhà máy. |
Theo Thành Công - PetroTimes