Doanh nghiệp hãy tranh thủ lợi thế từ CPTPP

CPTPP sẽ giúp nền kinh tế cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Doanh nghiệp hãy tranh thủ lợi thế từ CPTPP

Ảnh: HOÀNG CHƯƠNG

Chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 41 với chủ đề "CPTPP và các xu hướng thương mại mới cần quan tâm" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức cuối tuần qua, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - cho rằng việc gia nhập CPTPP với 11 thành viên trong đó có Việt Nam, Canada, Nhật Bản... tạo ra một khu vực sản xuất và thị trường rộng lớn.

Theo ước tính, lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn. Các lợi ích này sẽ tăng dần nếu số thành viên hiệp định gia tăng. Trong các thành viên của châu Á, Malaysia có thể được nhiều lợi ích nhất bằng 2% GDP, Việt Nam và Brunei với khoảng 1,5% GDP...

Ông Trịnh Minh Anh cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tham gia chuỗi sản xuất trong khu vực và quốc tế, tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và việc làm cho người lao động. Đây là cơ hội để DN tiếp cận những thị trường lớn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dệt may, thủy hải sản, nông sản...

Cà phê doanh nhân TP.HCM lần thứ 41

Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng và các diễn giả, đại biểu tham dự chương trình Cà phê doanh nhân TP.HCM lần thứ 41

Kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể tăng gấp đôi trong khi quy định chặt chẽ về xuất xứ "từ sợi trở đi" giúp Việt Nam nâng cao vị thế thương mại so với Trung Quốc trong dài hạn. Bên cạnh đó, CPTPP tăng cường thuận lợi hóa thương mại và minh bạch giúp giảm chi phí giao dịch, thương mại cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. DN Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết, tăng lợi thế cạnh tranh, có thể tham gia chuỗi cung ứng nội khối...

Mặt dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức dành cho DN. Theo các chuyên gia, trong CPTPP, vấn đề nguồn gốc xuất xứ rất quan trọng. Không có một nguyên tắc xuất xứ chung cho ngành hàng cụ thể mà theo từng mã hàng, số hàng, tên hàng cụ thể. Chẳng hạn như trong nông sản có nhiều loại hàng nông sản, hàng chế biến, hàng sơ chế..., mỗi quy định hàng nông sản khác nhau có tiêu chuẩn khác nhau.

Nếu như các ngành da giày, dệt may... hưởng lợi thế từ CPTPP thì ở những lịch vực khác như chăn nuôi, ngô, đầu tương, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... có thể phải đối mặt với thách thức, cạnh tranh từ thị trường các nước khác. Không chỉ vậy, CPTPP cũng tạo ra sức ép, cạnh tranh ở ngay chính thị trường nội địa khi Việt Nam cam kết giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ và thực hiện các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh cũng như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Về thuế quan, CPTPP xóa bỏ ngay hoặc có lộ trình cắt giảm ngắn về thuế quan. Trong 11 thành viên tham gia CPTPP, mỗi nước đều có những cam kết riêng, cắt giảm thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên giảm dần theo từng năm. Chẳng hạn như với ngành da giày, CPTPP quy định hàm lượng nội khối lên đến 45 - 55%. Hiện nay, ngành dệt may, da giày hay một số ngành khác, nguyên liệu phụ thuộc khá nhiều từ các quốc gia ngoài khối CPTPP mà nếu xuất hàng đi không đủ hàm lượng nội khối thì DN sẽ không được hưởng các điều kiện ưu đãi.

IMGL8139-8307-1552965528.jpg

Tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 41, nhiều DN băn khoăn về việc Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP nhưng lo sức ép cạnh tranh trở lại với DN ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Ông Nguyễn Minh Anh cho biết, CPTPP cũng như các hiệp định thương mại khác tháo gỡ hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhưng cơ hội kinh doanh không tự nhiên đến mà DN phải tranh thủ nắm bắt.

Các hiệp định có tác động gián tiếp tăng cơ hội kinh doanh cho DN nhưng vai trò quyết định vẫn là DN. "Với CPTPP, Việt Nam đã mất tới 4 năm để nghiên cứu rồi mới quyết định tham gia đàm phán khi thấy những lợi ích mang lại cho nền kinh tế. Thái Lan vừa bày tỏ ý định tham gia CPTPP, do đó các DN cần tranh thủ cơ hội, chuẩn bị tận dụng khi Thái Lan, Indonesia... chưa tham gia. Bởi các thị trường như Thái Lan gia nhập sẽ cạnh tranh gay gắt với Việt Nam do nhiều sản phẩm, hàng hóa tương đồng", ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để khai thác những thuận lợi từ hiệp định thương mại thế hệ mới này, các DN phải xây dựng được chiến lược dài hạn, nâng cao năng lực thâm nhập hàng hóa, phát triển kinh doanh đến các thị trường bằng việc cải tiến công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá trị cạnh tranh, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, phải biết nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, cạnh tranh với các DN nước ngoài thông qua việc đẩy mạnh liên kết sản xuất xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc.

Thanh Ngân

(Doanh nhân Sài Gòn)

Tin khác