Nhận diện rõ đường hướng xử lý dự án yếu kém "chuyển mình"

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, thảo luận và vạch ra các đường hướng cũng như giải pháp để xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, nhằm đưa các dự án thoát khỏi tình huống khó khăn. Dù đầy gian truân và thách thức, năm 2021 vẫn là một hành trình khởi sắc với rất nhiều nỗ lực từ Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN tại DN) nói riêng và các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nói chung trong việc xử lý các dự án yếu kém.

 

Lãnh đạo UBQLVNN tại DN thăm nhà máy thuộc danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Ảnh: VGP

Ngay sau khi UBQLVNN tại DN chính thức tiếp nhận 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương vào tháng 9/2019, hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: “Siêu uỷ ban” sẽ giải quyết 12 dự án yếu kém ra sao?; 12 dự án “đắp chiếu”: Vướng mắc liệu có được tháo gỡ?; hay Bàn giao 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ về “siêu ủy ban”: Hướng đi nào để giải quyết dứt điểm?…

Thời gian qua, đặc biệt trong năm 2021, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước và dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án đã có hướng xử lý phù hợp hoặc nhanh chóng được đưa vào hoạt động. Báo Điện tử Chính phủ đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với Chủ tịch UBQLVNN tại DN Nguyễn Hoàng Anh, Phó Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương, và Phó Chủ tịch UBQLVNN tại DN Hồ Sỹ Hùng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương, về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kết quả xử lý các dự án yếu kém trong năm qua và những định hướng cho thời khắc năm mới 2022.  

 


Chủ tịch UBQLVNN tại DN Nguyễn Hoàng Anh, Phó Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương: Muốn giải quyết dứt điểm và thấu đáo các dự án yếu kém, cần phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, hay còn gọi là “bắt đúng bệnh” thì mới có thể đưa ra “phương thuốc” khả thi và phù hợp nhất. Ảnh: VGP

“Bắt đúng bệnh” và lựa chọn được “phương thuốc” phù hợp nhất

Nhìn lại xuyên suốt chặng đường vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, UBQLVNN tại DN luôn triển khai nhiệm vụ được giao trên tinh thần làm thế nào để xử lý các dự án đã kéo dài từ lâu, thậm chí có dự án đình trệ đến hàng chục năm sao cho giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về vốn và tài sản của Nhà nước. Thứ hai, khi đã được giải quyết, sản phẩm của các dự án này đều phải có ý nghĩa tích cực khi đưa ra thị trường, đóng góp cho nền kinh tế.

Trên thực tế, Chính phủ luôn xác định việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương là một nhiệm vụ quan trọng và tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Các bộ, cơ quan đã tích cực xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, giải quyết khó khăn về tài chính. Các ngân hàng thương mại cho vay vốn đã chia sẻ rủi ro, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ theo cơ chế thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn để sản xuất, kinh doanh.

Về phía bản thân doanh nghiệp, họ đã thực hiện các giải pháp về quản trị, tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, quản lý chặt chẽ tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu,… Tuy nhiên đã qua nhiều năm, các dự án, doanh nghiệp này chưa thể xử lý dứt điểm.

“Muốn giải quyết dứt điểm và thấu đáo các dự án yếu kém, cần phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, hay còn gọi là “bắt đúng bệnh” thì mới có thể đưa ra “phương thuốc” khả thi và phù hợp nhất”, Chủ tịch UBQLVNN tại DN nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Anh, nguyên nhân được nhận diện là tồn tại về tài chính để lại quá lớn, tổng mức đầu tư hầu hết đã phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao. Khi đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương (BCĐ) thì đã thua lỗ nặng nề, một số không còn vốn chủ sở hữu, hầu hết không có khả năng trả nợ đến hạn.

Trước tình hình đó, với quyết tâm cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ, Uỷ ban đã nghiên cứu, tham mưu và phối hợp với các đơn vị liên quan để nhận diện rõ ràng các vướng mắc của từng dự án và thảo luận nhiều kịch bản khác nhau nhằm lựa chọn phương án có tính hợp lý nhất.  

Phân tích rõ ràng hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho biết, phương án hợp lý nhất tức là đem lại hiệu quả cao nhất trong so sánh giữa các phương án có thể triển khai, chứ không phải có mục tiêu là thu hồi toàn bộ vốn vì đây là những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm. Kết quả năm 2021 cho thấy sự nỗ lực của nhiều cấp ban ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng là “đòn bẩy” để tìm ra rõ đường hướng cho các doanh nghiệp này.

Cụ thể, 5 dự án đã được Bộ Chính trị đồng ý đưa ra khỏi danh mục 12 dự án yếu kém và giao cho các doanh nghiệp chủ động xử lý theo phương án đã được thông qua.


Phó Chủ tịch UQBLVNN  tại DN Hỗ Sỹ Hùng Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương. Ảnh: VGP

Giải pháp cụ thể cho từng dự án: Cơ hội thu hồi một phần vốn, lành mạnh hoá tài chính

Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Chủ tịch UBQLVNN tại doanh nghiệp đã ban hành Chỉ thị số 405/CT-UBQLV ngày 15/11/2021 quán triệt, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chủ động thực hiện các giải pháp xử lý đối với 05 dự án, doanh nghiệp.

Đối với Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã chủ động thực hiện thoái vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh trong năm qua đã có lãi và ước tính năm 2021 cơ bản bù được lỗ tích luỹ của nhiều năm trước. Lãnh đạo UBQLVNN tại DN hy vọng, với thị trường thuận lợi như hiện nay, năm 2022 nhà máy sẽ bắt đầu có lãi dương.

Trong 3 dự án liên quan đến sản phẩm xăng sinh học Ethanol, đối với 2 doanh nghiệp là Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ (PVB) và Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước (OBF), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động, linh hoạt trong việc chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp dự án thực hiện quyền của cổ đông góp vốn trong việc quyết định lựa chọn phương án xử lý đối với doanh nghiệp dự án theo một trong các hình thức được pháp luật quy định như: Thoái vốn, bàn giao tài sản cho ngân hàng theo quy định của Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản, phá sản doanh nghiệp,…

Còn về dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, tuy đã vận hành một thời gian và có sản phẩm nhưng thị trường không thuận lợi. Do vậy, bắt buộc phải ngừng. UBQLVNN tại DN sẽ mở ra các khả năng để các nhà đầu tư quyết định, đó là có thể đầu tư thêm một số công đoạn thay đổi chủng loại, lượng sản phẩm, để có thể cung cấp trên thị trường một cách bình đẳng và cạnh tranh. Trong trường hợp không thể cạnh tranh được, người góp vốn cũng sẽ tự quyết định cùng với ngân hàng trong việc xử lý số tài sản không còn thích ứng với các thị trường trong điều kiện hiện nay.

“Cả 3 dự án trên chung một đặc điểm là thị trường gần như không có và việc sản xuất ra sản phẩm dẫn đến khả năng càng làm càng lỗ. Sức cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường đặc biệt khó khăn. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể điều cơ bản nhất là khi không có thị trường thì phải có các xử lý tương ứng với điều kiện bất lợi ấy”, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng phân tích.

Cũng theo ông Hùng, 3 dự án đều thể hiện rất rõ tính thị trường và cũng đã thấy rõ hướng xử lý, trong đó, giao lại cho doanh nghiệp chủ động xử lý theo phương án và kịch bản phù hợp với điều kiện thị trường đang rất khó khăn đối với nhiên liệu sinh học.

Đối với dự án thứ 5 là Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, dự án này đã đi vào công đoạn vận hành. Tuy nhiên, sản phẩm được sản xuất ra chưa tương thích với điều kiện thị trường vào thời điểm hiện nay nên không cạnh tranh được. Do vậy, đại diện lãnh đạo UBQLVNN tại DN cho biết, giải pháp là kêu gọi nhà đầu tư khác phối hợp với chủ đầu tư của dự án này, để đầu tư bổ sung thêm, sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu tiêu thu do chính nhà đầu tư bao tiêu. Đây được đánh giá là một điểm hứa hẹn trong việc đưa ra lối thoát cho sản phẩm của dự án này.

Chủ tịch Hoàng Anh nhấn mạnh: “Việc có được định hướng, giải pháp xử lý cụ thể, rõ ràng và khả thi là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty thu hồi được một phần vốn đã đầu tư, lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, tập trung thời gian, nguồn lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những dự án, doanh nghiệp được xử lý, tái cấu trúc lại về sở hữu, tài chính sẽ có cơ hội để phục hồi hoạt động, cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho xã hội và duy trì công ăn, việc làm cho người lao động”.

Chậm nhất đến hết quý I/2022, bắt đầu tiến hành xử lý các dự án còn lại

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các Thành viên BCĐ tổng hợp, đánh giá, phân tích và tham mưu về định hướng xử lý tiếp tục đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại trong năm 2022. Đây là cơ sở rất quan trọng để Chính phủ, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Mục tiêu trước mắt là bảo đảm chậm nhất đến hết quý I/2022, các tập đoàn, tổng công ty bắt đầu tiến hành xử lý các dự án, doanh nghiệp theo phương án đã đề ra.

Thông tin từ Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Dũng, đối với các dự án còn lại, UBQLVNN tại DN đã và đang tập trung xây dựng phương án và kịch bản khác nhau để có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá tính hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định cơ bản vướng mắc và hướng giải quyết mang tính khả thi của các dự án đã được nhận diện.

“Vấn đề quan trọng là đưa ra các kịch bản và so sánh, phân tích để lựa chọn các phương án phù hợp với hiện trạng trong bối cảnh mới. Đây là việc chúng ta cần thêm thời gian và thông tin mà đặc biệt là thông tin thị trường để có thể đưa sản phẩm của các doanh nghiệp, dự án này đến với không chỉ thị trường trong nước mà cả quốc tế”, ông Hùng cho biết.

Liên quan đến xử lý 7 dự án còn lại, UBQLVNN tại DN chia thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm dự án liên quan đến sản phẩm phân bón, bao gồm Nhà máy Sản xuất Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình. Đặc điểm chung là cả ba dự án này đều đã đi vào vận hành, ra sản phẩm tốt và tiêu thụ tốt trên thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, một điểm chung nữa là cả 3 dự án này đều có chi phí tài chính rất lớn, do vậy, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp để giảm gánh nặng này. Theo lãnh đạo UBQLVNN tại DN, chi phí tài chính cao dẫn đến doanh nghiệp gặp khó, kinh doanh thua lỗ và chưa bù được lỗ tích luỹ của nhiều năm trước. Nhận diện như vậy, cơ chế mà Ủy ban cùng với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo là sẽ hậu thuẫn để cho các dự án này tiếp tục vận hành và đem lại sản phẩm hữu ích cho nền kinh tế.

Nhóm 2 dự án thép của nhà máy Thép Việt-Trung và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2-Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO II). Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nhận định, đây là 2 dự án có nhiều vướng mắc, trải qua nhiều “đời” chính sách về quản lý đối với các dự án đầu tư liên quan đến sử dụng quặng. Đến nay, nhà máy Thép Việt-Trung vẫn hoạt động và đem lại sản phẩm tốt. TISCO II chưa hoàn thành nên để lại gánh nặng lớn cho toàn bộ hoạt động của công ty TISCO nói chung. Việc xử lý có nhiều “nút thắt” liên quan đến cam kết từ phía doanh nghiệp Việt Nam với các nhà thầu.

Có thể nói, thị trường đang thuận lợi cho ngành thép là một dấu hiệu tích cực. Điều quan trọng là phải xây dựng được kịch bản cho nhà máy thép Việt-Trung tiếp tục hợp tác và liên doanh với đối tác nước ngoài để bảo đảm lợi ích chung cho cả hai bên. Việc sử dụng các quặng mỏ, tài nguyên đã được đưa ra thảo luận và cũng là cơ hội tốt cho công ty sắp xếp, rà soát lại hoạt động của mình, phù hợp với điều kiện hiện nay của pháp luật để có thể đem lại kết quả tốt hơn.

Còn với TISCO II, theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, do dự án chưa đi vào vận hành, giải quyết những khâu dở dang đang là một vướng mắc lớn. Tuy nhiên, Uỷ ban và người đại diện tại Tổng công ty Thép Việt Nam, cũng như TISCO phải rõ làm rõ kết quả đàm phán và xử lý hợp đồng dở dang, đây là điều kiện tiên quyết để có thể đưa ra kịch bản cũng như phương án xử lý sau này.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang đốc thúc triển khai xử lý, trong đó, có những việc vượt qua khỏi khả năng và tầm tư duy của các doanh nghiệp thì chúng tôi đồng ý cho thuê tư vấn tham gia hỗ trợ thêm. Trong thời gian ngắn tới, các kịch bản cũng như phương án cho việc tái cơ cấu sử dụng lại, tiếp nối các phần đang đầu tư dở sẽ được làm rõ hơn, từ đó sẽ có giải pháp phù hợp với thời điểm bây giờ”, ông Hùng hy vọng.

Nhóm cuối cùng là Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Dự án có vị trí, vị thế đầu tư kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, vướng mắc về hợp đồng với nhà thầu kéo dài nhiều năm nên không tận dụng được hết nguồn lực đã đầu tư. Việc này dẫn tới tình huống chỉ tận dụng một phần đã đầu tư mà phải trang trải toàn bộ các kinh phí đầu tư. Chi phí đưa vào sử dụng quá lớn, doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo UBQLVNN tại DN, các cơ quan quản lý cũng đã rà soát, thấy rõ vấn đề và đồng thuận trong trường hợp cần thiết phải thông qua cơ quan toà án, trọng tài để xử lý. Khi giải thoát được vấn đề này, toàn bộ nguồn lực của công ty sẽ được sử dụng, để tiếp đó, có thêm nhà đầu tư bổ sung, để hoàn thiện dây chuyền họ đang có. Việc này đem lại năng lực sản xuất đáng kể phục vụ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thậm chí có thể tái cơ cấu danh mục đầu tư.

“Cơ chế thị trường có sự sàng lọc, dự án tốt sẽ tồn tại và phát huy tiếp thế mạnh. Dự án không tốt buộc phải được điều chỉnh và tái cơ cấu lại. Đây là quy luật chung của các nền kinh tế. Đối với 12 dự án yếu kém cũng tương tự, phải tái cơ cấu, tuy nhiên, đây là tài sản của Nhà nước và có rất nhiều mục đích khi đầu tư, dẫn đến nhiều vấn đề phải cân đối, không chỉ riêng về kinh tế, mà cả chính trị, ngoại giao, xã hội,…Vì vậy, việc xử lý các dự án phải xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở tiếp cận tính khả thi trong mối quan hệ hài hoà. Tôi tin rằng mọi khó khăn đều có phương án giải quyết, chỉ có điều nên lựa chọn giải pháp nào hợp lý trong tổng hoà các vấn đề”, Chủ tịch UBQLVNN tại DN Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ./.

 

Minh Ngọc
Theo baochinhphu.vn

Tin khác